Chuỗi cung ứng nông sản truy xuất nguồn gốc đang quá ít

Hiện tỷ lệ hình thành chuỗi giá trị nông sản hoàn chỉnh từ người sản xuất (nông dân/hợp tác xã/tổ hợp tác) với doanh nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ rất thấp, phần lớn các liên kết trong chuỗi vẫn rất lỏng lẻo, chủ yếu thông qua trung gian.

Trên thị trường hiện nay đã có một số chuỗi cung ứng đang hoạt động như: Chuỗi cung ứng xoài (Hợp tác xã Mỹ Xương ở Đồng Tháp), thanh long (Công ty TNHH Hoàng Phát Fruit và Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka) đã áp dụng công nghệ hiện đại vào đổi mới chuỗi cung ứng như công nghệ blockchain vào truy xuất nguồn gốc và quản lý chuỗi nhằm giảm chi phí và minh bạch thông tin và tăng cường lòng tin của người tiêu dùng.

so luong chuoi cung ung nong san dang het suc it oi
(Ảnh minh họa)

Điều đáng ghi nhận là, hiện các chuỗi liên kết được phát triển theo 3 cấp độ: Sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và nhất là sản phẩm địa phương OCOP. Trong nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, chuỗi giá trị lúa gạo đã nhận được nhiều sự hỗ trợ từ sản xuất, liên kết trong sản xuất – tiêu thụ thông qua hợp đồng thương mại. Nhờ đó, tỷ lệ chuỗi giá trị gạo khép kín đạt tới 4%.

TS. Nguyễn Trung Kiên – Bộ môn Thị trường và ngành hàng (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) cho hay, mặc dù nhận được nhiều sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc tổ chức liên kết giữa hợp tác xã, nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông sản nhưng tỷ lệ hình thành chuỗi giá trị nông sản hoàn chỉnh từ người sản xuất (nông dân/hợp tác xã/tổ hợp tác) với các doanh nghiệp vẫn còn chiếm tỷ lệ rất thấp, phần lớn các liên kết trong chuỗi vẫn rất lỏng lẻo, chủ yếu thông qua trung gian.

Để phát triển các chuỗi giá trị nông sản truy xuất nguồn gốc, ông Kiên cho rằng, cần xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, cân đối cung cầu chung toàn ngành hàng trong quy mô toàn quốc để duy trì mức sản xuất có lợi về giá thành. Phối hợp với các doanh nghiệp lớn đủ khả năng định hướng các chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia; rà soát lại toàn bộ các chiến lược quy hoạch, vùng quy hoạch, xây dựng, đề xuất đầu tư chuỗi giá trị đồng bộ và theo mô hình cụm ngành…

Các địa phương căn cứ lợi thế và nhu cầu thị trường, lựa chọn nhóm sản phẩm để quy hoạch vùng chuyên canh có điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội thuận lợi, cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ cần thiết, thuận tiện về giao thông để gắn kết với thị trường chính. Nhà nước cần làm cầu nối cho doanh nghiệp và tổ chức nông dân địa phương với thị trường hoặc các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ lớn thông qua việc cung cấp thông tin thị trường, môi giới thị trường, môi giới đầu tư.

Tăng cường kiểm soát quản lý vùng trồng, vùng nuôi và vùng khai thác, đẩy mạnh thực hiện đánh mã số vùng trồng. Xây dựng hệ thống giám sát đánh giá vùng nuôi trồng nhằm luôn đảm bảo các yêu cầu của thị trường.

Leave a Comment

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *