Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh… trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) trong việc dán tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm khi đưa ra thị trường. Qua đó, thúc đẩy việc nâng cao giá trị sản phẩm, uy tín thương hiệu, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Để đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngày 07/04/2020, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 1221 về việc “Phê duyệt kế hoạch triển khai, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025” và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành có liên quan như: Sở Công Thương, KH&CN, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế… thực hiện.
Nhờ đó, số cơ sở áp dụng tem truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng lên.
Theo thống kê từ Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản Thanh Hóa, từ đầu năm 2023, đến nay chi cục đã hỗ trợ cấp tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho 16 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông – lâm – thủy sản, với số lượng là 432 nghìn tem.
Dự kiến từ nay đến hết năm 2023 chi cục sẽ cấp 60 nghìn tem cho 12 doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông – lâm – thủy sản.
Tuy đã có nhiều doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất… đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong dán tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, song theo khảo sát từ Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Thanh Hóa, hiện nay việc dán tem truy xuất nguồn gốc còn gặp một số khó khăn, như:
Tem truy xuất nguồn gốc áp dụng trên các sản phẩm hiện chưa được chuẩn hóa về nội dung và hình thức, chưa có quy định thống nhất về các giải pháp đọc tem truy xuất; thiếu các quy định cụ thể đối với việc khai báo, giám sát và đảm bảo thông tin truy xuất nguồn gốc; nguồn nhân lực phục vụ công tác triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc thiếu và hạn chế về chuyên môn, kinh nghiệm để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh; các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể tiềm lực tài chính hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong việc nghiên cứu, xây dựng, triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm cụ thể…
Bởi vậy, ý kiến từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các đơn vị đều cho rằng: Các cấp, ngành trong tỉnh cần thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến về lợi ích, tầm quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc thông qua các hội nghị, hội thảo, trang thông tin điện tử và các phương tiện truyền thông trên địa bàn tỉnh; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn các quy định pháp luật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quốc tế và tài liệu hướng dẫn hệ thống truy xuất nguồn gốc; khảo sát, chia sẻ kinh nghiệm áp dụng các giải pháp, công nghệ về truy xuất nguồn gốc.
Bố trí nguồn kinh phí thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho các tổ chức, doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh triển khai, áp dụng và quản lý truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ triển khai thí điểm áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đối với một số sản phẩm, hàng hóa để rút kinh nghiệm, hoàn thiện quy trình thực hiện và nhân rộng hoạt động truy xuất nguồn gốc.
Xây dựng danh mục sản phẩm, nhóm sản phẩm trọng điểm ưu tiên triển khai truy xuất nguồn gốc trên địa bàn tỉnh dựa trên nghiên cứu khảo sát nhu cầu của thị trường, ưu tiên thị trường xuất khẩu và yêu cầu về vệ sinh, an toàn thực phẩm…