Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc

Trong năm 2019, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đang triển khai xây dựng 3 dự thảo TCVN và 1 dự thảo QCVN về truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, quả.

Thông tin trên được ông Bùi Bá Chính – Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cho biết khi đề cập đến lộ trình triển khai Quyết định số 100/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Theo ông Chính, nhằm hoàn thiện hệ thống quy định pháp luật, văn bản, tài liệu hướng dẫn về truy xuất nguồn gốc; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa.

Truy xuất nguồn gốc đang là nhu cầu của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đồng thời hướng đến nâng cao nhận thức của xã hội, các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp về truy xuất nguồn gốc thông qua việc đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, đào tạo cho các bên liên quan; đảm bảo công khai, minh bạch các thông tin truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, hàng hóa trên thị trường, cung cấp thông tin, kiến thức thiết yếu về truy xuất nguồn gốc.

Từ nay đến năm 2020 sẽ tiến hành rà soát các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc; xây dựng, ban hành tối thiểu 5 tiêu chuẩn quốc gia, 1 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc và tài liệu hướng dẫn áp dụng; triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa trong nước như nông lâm thủy sản, thực phẩm, thuốc chữa bệnh; xây dựng và đưa vào vận hành Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia.

“Giai đoạn đến năm 2025 sẽ hoàn thiện cơ bản hệ thống các văn bản quy định, pháp luật về quản lý, triển khai áp dụng và xử lý vi phạm về truy xuất nguồn gốc. Xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn quốc gia và 2 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về truy xuất nguồn gốc cùng các tài liệu hướng dẫn áp dụng cho từng nhóm sản phẩm cụ thể”, ông Chính cho biết.

Đại diện Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia giới thiệu hệ thống truy xuất nguồn gốc cho doanh nghiệp tại Lâm Đồng.

Hiện Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia là đơn vị chủ trì và hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai “Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc” cho các doanh nghiệp. Để triển khai Đề án, Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia đã nghiên cứu tiêu chuẩn, quy định của các tổ chức quốc tế để xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia, tài liệu hướng dẫn chung về truy xuất nguồn gốc trong đó xây dựng 06 bộ tiêu chuẩn Việt Nam về thịt, rau củ quả, rượu bia, thuốc lá, thủy sản, lâm sản; 1 quy chuẩn Việt Nam quy định về truy xuất nguồn gốc; xây dựng tối thiểu 30 tiêu chuẩn Việt Nam và 2 quy chuẩn Việt Nam.

Bên cạnh đó, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia còn triển khai mô hình hoạt động chứng nhận sự phù hợp (bên thứ ba) đối với hệ thống truy xuất nguồn gốc; Xây dựng chương trình chứng nhận sự phù hợp, đồng thời xây dựng dự thảo Quyết định của Bộ KH&CN chỉ định đơn vị công nhận chương trình chứng nhận và chỉ định 1 tổ chức chứng nhận áp dụng mô hình chứng nhận sự phù hợp trên.

“Thực hiện lộ trình triển khai Đề án, Tổng cục cũng đã thành lập Ban kỹ thuật tiêu chuẩn Quốc gia về Mã số mã vạch với mục tiêu thực hiện các nhiệm vụ xây dựng TCVN, QCVN trong Đề án 100. Trong năm 2019, Trung tâm mã số mã vạch Quốc gia đang triển khai xây dựng 3 dự thảo TCVN và 1 dự thảo QCVN về truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, quả”, ông Chính cho biết.

Leave a Comment

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *