Truy xuất nguồn gốc bằng Blockchain: Startup châu Á đang bứt phá?

Thị trường truy xuất nguồn gốc thực phẩm đạt 11,64 tỷ USD năm 2018 với dự báo sẽ tăng lên 21,84 tỷ USD năm 2025.
 Một trong những thoả thuận truy xuất nguồn gốc đình đám nhất cho đến nay là Walmart và IBM. Dự án tiên phong trên nền tảng công nghệ blockchain này đã tạo ra các thay đổi đáng kể trong cách thức cập nhật thông tin của tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước Mỹ cũng như hàng loạt các nhà cung cấp. Các quy định về truy xuất thông tin sẽ được áp dụng với toàn bộ các nhà cung cấp rau xanh vào tháng 9 tới.

Khảo sát trên 100 nhà cung cấp cho Walmart chỉ ra cốt lõi của áp dụng công nghệ truy xuất thực phẩm là bài toán cân đối giữa chi phí sản xuất và chi phí gia tăng do công nghệ này. Rào cản chi phí đang làm chùn chân việc áp dụng dự án của Walmart nhanh chóng và rộng rãi trên toàn bộ sản phẩm.

Cơ hội không của riêng ai

Thị trường của công nghệ truy xuất nguồn gốc thực phẩm đang có mức tăng trưởng khá tốt trong 5 năm tiếp theo, với CAGR là 9% mỗi năm. Động lực tăng trưởng là  mối lo về an toàn thực phẩm đang tăng rất nhanh sau nhiều scandal như rau xanh nhiễm khuẩn của Walmart hay thực phẩm giả tràn lan tại các siêu thị lớn của Trung Quốc trong những năm gần đây.


Bên cạnh những tên tuổi như: IBM, Microsoft (Mỹ); SAP-SE (Đức); VeChain (Trung Quốc); Provenance, ChainVine (Anh); AgriDigital, BlockGrain (Úc)…, sân chơi của lĩnh vực truy xuất nguồn gốc nói riêng, thị trường công nghệ ứng dụng blockchain nói chung, giờ đây mở ra cơ hội cho các startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong mảng công nghệ tham gia nghiên cứu và khẳng định tên tuổi.Bắc Mỹ và Châu Âu hiện là hai khu vực phát triển nhất nhờ có nền tảng của các quy định chặt chẽ về an toàn thực phẩm, song song sự hiện diện của các dự án ứng dụng blockchain quy mô từ các tập đoàn công nghệ bản địa.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng, trong vài năm tới, Châu Á Thái Bình Dương sẽ phát triển mạnh mẽ để trở thành một trong những thị trường quan trọng của toàn ngành công nghệ truy xuất nguồn gốc cũng như hệ sinh thái blockchain thế giới.

Năm 2016, thị trường blockchain Châu Á Thái Bình Dương ghi nhận 135 startup về công nghệ blockchain được đầu tư tổng số vốn 545 triệu USD. Chỉ trong 1 năm sau, số công ty được đầu tư tăng 50%, đạt 185 startup cùng số vốn 1 tỷ USD.

Trong một khía cạnh khác, quy mô tầng lớp trung lưu Châu Á Thái Bình Dương được dự báo sẽ đạt 3,5 tỷ người vào năm 2030; 60% thanh thiếu niên thế giới sẽ tập trung ở khu vực này. Đồng thời, một nghiên cứu năm 2016 của Hiệp hội Công nghệ Người tiêu dùng cho thấy, so với Hoa Kỳ, tỷ lệ người tiêu dùng ở các quốc gia châu Á có xu hướng áp dụng công nghệ mới sớm hơn nhiều so với các quốc gia Âu-Mỹ.Theo báo cáo của Global Market Insights, một trong những lý do lớn nhất dẫn đến sự bứt phá mạnh mẽ này đến từ động thái thay đổi về mặt chính sách của chính phủ một số nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, Thái Lan… dựa trên sự thay đổi nhận thức, mong muốn đón đầu xu hướng và thích nghi với công nghệ blockchain của bộ máy quản lý.

Các yếu tố này góp phần tạo ra môi trường thuận lợi và tiềm năng phát triển cho các startup về công nghệ blockchain trong châu lục.

Leave a Comment

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *