Tại Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh thành phía Nam lần thứ 6 năm 2019 được tổ chức vừa qua tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, bà Lại Việt Anh – Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) thông tin, năm 2018 tổng kinh phí hỗ trợ phát triển thương mại điện tử (TMĐT) quốc gia cho 41 địa phương là 14,07 tỷ đồng. Năm 2018, có 8 Sở Công Thương khu vực phía Nam thực hiện các đề án.
Theo Cục TMĐT và Kinh tế số, năm 2018, Cục đã hỗ trợ các cơ quan nhà nước xây dựng sàn giao dịch TMĐT mô hình kết nối giao thương doanh nghiệp (DN) và cho phép bán lẻ, mỗi sàn đã thu hút hàng trăm DN, hộ kinh doanh tham gia xúc tiến bán hàng, quảng bá hình ảnh DN. Cục cũng xây dựng phần mềm xúc tiến bán hàng được tích hợp với bản đồ số hóa để cập nhật hầu hết thông tin DN, hộ kinh doanh trên địa bàn nhằm hỗ trợ cho khách hàng tiềm năng dễ dàng tìm thấy vị trí của đơn vị cũng cấp hàng hóa trên bản đồ số.
Bên cạnh đó, Cục TMĐT và Kinh tế số đã hoàn thiện Hệ thống dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3 trở lên cấp phép dịch vụ trọng điểm của ngành Công Thương và liên thông với hệ thống một cửa điện tử của địa phương. Hoàn thiện hệ thống thu thập quản lý trực tuyến thông tin xuất nhập khẩu.
Trong năm 2018, Cục đã phối hợp với sở Công Thương các tỉnh hỗ trợ DN, hợp tác xã (HTX) và hộ kinh doanh xây dựng nhiều phần mềm quản lý thông tin DN, bộ thương hiệu trực tuyến, website, phần mềm bán hàng thông minh giúp DN tăng doanh thu, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng hoạt động kinh doanh thuộc Chương trình phát triển TMĐT quốc gia với tổng kinh phí là 1,835 tỷ đồng.
Ngoài ra, Chương trình phát triển TMĐT quốc gia còn hỗ trợ các địa phương mở lớp đào tạo, tập huấn về TMĐT cho các đối tượng là cán bộ quản lý nhà nước DN và đoàn viên thanh niên, giúp họ xây dựng thương hiệu trong môi trường trực tuyến, nâng cao khả năng cạnh tranh và doanh số bán hàng.
Bà Lại Việt Anh đánh giá, chương trình phát triển TMĐT quốc gia năm 2018 đã góp một phần trong kết quả tăng trưởng TMĐT tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng doanh số bán lẻ trực tuyến trung bình hàng năm đạt hơn 25% từ năm 2016 đến nay. Với đà tăng trưởng này, các chuyên gia đầu ngành về TMĐT tại Việt Nam dự báo các năm tiếp theo tiếp tục đạt tốc độ 25-30% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng theo Cục TMĐT và Kinh tế số, năm 2019 sẽ triển khai 58 đề án, hỗ trợ cho 44 Sở Công Thương, tương ứng 11,137 tỷ đồng, tập trung vào việc hỗ trợ các địa phương xây dựng 6 sàn giao dịch TMĐT, 3 phần mềm xúc tiến thương mại trên bản đồ số, 3 hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và các phần mềm hỗ trợ DN, HTX và hộ kinh doanh bán hàng trong môi trường trực tuyến.
Trong đó, tại khu vực phía Nam, năm 2019 hỗ trợ 11 sở Công Thương thực hiện đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 2,475 tỷ đồng, tập trung vào việc hỗ trợ xây dựng sàn giao dịch TMĐT, phần mềm xúc tiến thương mại trên bản đồ số, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm và các phần mềm hỗ trợ DN. Đồng thời phối hợp với cơ quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các hoạt động thuộc Chương trình TMĐT quốc gia, đảm bảo các đề án được thực hiện các mục tiêu về chất lượng, hiệu quả.
Sắp tới Cục TMĐT và Kinh tế số sẽ xây dựng khu hàng Việt trên thương mại điện tử trực tuyến để giúp cho DN quảng bá thương hiệu hàng Việt, kết nối giao thương, xuất khẩu thuận lợi.
Hùng Quang