Đại diện Tập đoàn Central Group Việt Nam cho biết: “Sự kiện Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019 diễn ra tại Big C Thăng Long, là lần thứ 4 nông sản của Sơn La được Tập đoàn tổ chức giới thiệu, quảng bá và cung ứng qua hệ thống siêu thị Big C. Đối với mặt hàng nhãn là lần thứ 2 kể từ năm 2018 đến nay.
Các chương trình quảng bá nông sản an toàn của tỉnh Sơn La được Big C tổ chức như: Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2018 và 2019; Tuần Lễ Dâu Tây & Nông sản an toàn Tỉnh Sơn Lan; Tuần lễ cá sông Đà Hòa Bình & Sơn La… Tại hệ thống Big C cũng thường xuyên tổ chức các chương trình khuyến mại, nhằm quảng bá, xây dựng thương hiệu cũng như tạo thị trường tiêu thụ ổn định cho các mặt hàng nông sản an toàn của tỉnh Sơn La đạt Chứng nhận VietGAP,GobalGAP, như: Nhãn, xoài, bơ sáp, chuối tây, nhãn, bí xanh, mướp hương, thanh long ruột đỏ, đậu Hà Lan, tỏi cô đơn, dưa leo, cà chua, rau cải mèo, cải bắp Mộc Châu,…
Ngoài Sơn La, Big C còn phối hợp với nhiều địa phương tổ chức nhiều Tuần lễ kết nối nông sản cho các tỉnh/thành phố như: Tuần lễ kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP Quảng Ninh; Vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang; Nhãn lồng Hưng Yên; Cao Phong – Hoà Bình; Tuần lễ nông sản Yên Bái; Tuần lễ nông sản Tây Bắc; Tuần lễ OCOP Bến Tre tại Big C An Lạc; đặc sản su su Nghệ An trồng trên cát; Đồng hành cùng cùng người nông dân xã Đức Chính tiêu thụ cà rốt; Lễ Hội Cà Phê Big C 2019. Nhiều tỉnh thành phố có khá nhiều mặt hàng nông sản được cung ứng tại hệ thống siêu thị Big C như: Sơn La, Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Yên Bái … Tất cả những mặt hàng nông sản của các địa phương đưa vào siêu thị đều đạt chứng nhận VietGAP, GobalGAP, hữu cơ.
Nguồn cung ổn định
Từ Big C phóng viên đã tìm hiểu qua siêu thị Co.opmart. Đây là siêu thị của người Việt. Trái cây bán trong siêu thị hầu hết có xuất xứ từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Tây nguyên. Không có loại quả nào xuất xứ tại vùng trồng Hà Nội.
Tại quầy rau xanh, củ quả, siêu thị này cung cấp chủ yếu hàng hóa của Hợp tác xã (HTX) Lĩnh Nam và Vĩnh Phúc (Hà Nội). Ở đây, mỗi HTX có rất nhiều mặt hàng rau củ quả. Ví dụ như HTX Lĩnh Nam cung cấp tại đây không dưới 10 loại rau, củ, quả, như: Ray cải, muống, mồng tơi, rau đay, đậu cô ve, đậu bắp, củ cải, hành lá và củ khô, tỏi khô, gừng, nghệ, cà chua, bí xanh, bí đỏ, các loại rau thơm …
Tìm hiểu tại vùng chuyên canh nông sản của Linh Nam, đại diện HTX cho biết: HTX không chỉ đa dạng về chủng loại mà nguồn cung luôn đảm bảo ổn định và đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm . HTX đang cung ứng hàng tấn rau, củ, quả cho các siêu thị, nhà hàng, bếp ăn … trên địa bàn thành phố Hà Nội. Để đảo bảo ổn định nguồn cung cho các đơn vị, HTX đã xây dựng kế hoạch sản xuất cho từng thửa ruộng, từng hộ xã viên. Từ đó, HTX chủ động đa dạng mặt hàng và đảm bảo nguồn cung không có thời điểm sản xuất quá nhiều, hay quá ít. Chất lượng hàng hóa cũng được giám sát theo quy trình sản xuất VietGap.
Tại Tuần lễ Nhãn và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019, đại diện siêu thị Big C cho biết: Hiện nay, tại siêu thị đã có hơn 60 mặt hàng nông sản các loại của tỉnh Sơn La được bày bán thường xuyên trên kệ hàng của hệ thống 18 siêu thị GO! và Big C miền Bắc. Sản lượng sản phẩm nông sản Sơn La tại Big C đạt mức tăng trưởng gấp 20 lần, thậm chí có những mặt hàng như Bắp cải tăng trưởng 80 lần. Đặc biệt, tại “Tuần lễ Xoài và Nông sản an toàn tỉnh Sơn La năm 2019” diễn ra vào giữa tháng 5 vừa qua, Big C đã tiêu thụ khoảng gần 1.000 tấn xoài của Sơn La.
Được biết, trong 4 năm trở lại đây, Sơn La đã quy hoạch cùng trồng cây ăn quả, rau xanh, củ, quả … Mỗi chủng loại còn được đa dạng nhiều mặt hàng để cung ứng cho nhà phân phối bán lẻ. Sơn La còn xây dựng kế hoạch đưa nông sản xuất khẩu ra nước ngoài. Như đã nói ở trên, các mặt nông sản của Sơn La đều thực hiện sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng an toàn thực phẩm.
Chỉ riêng nhãn, năm nay Sơn La dự kiến sản lượng tiêu thụ khoảng 35.000 – 40.000 tấn. Tỉnh đã dự kiến chế biến xuất khẩu khoảng 1.720 tấn, giá trị ước đạt trên 1,8 triệu USD. Sản lượng còn lại đã có kế hoạch liên kết với các tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Lào Cai, Bắc Giang, Lạng Sơn… để tiêu thụ tại kênh phân phối siêu thị, cửa hàng tiện ích, các chợ đầu mối, chợ truyền thống bán lẻ).
Như vậy, để có những nông sản được siêu thị, nhà bán lẻ chấp nhận tiêu thụ thì nhà sản xuất luôn thực hiện theo hướng chuyên canh, chuyên nghiệp đảm bảo đa dạng sản phẩm, ổn định nguồn cung và an toàn thực phẩm.