Việc áp dụng truy xuất nguồn gốc là điều kiện cần thiết để tăng giá trị sản phẩm nông sản đã được bảo hộ sở hữu trí tuệ. Vì vậy Hưng Yên là tỉnh đang đề cao vấn đề này.
Tại hội nghị quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực, do Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên tổ chức, các ý kiến đại diện cơ sở sản xuất, doanh nghiệp, cơ quan quản lý đã làm rõ vai trò của ứng dụng công nghệ trong quản lý phát triển nhãn hiệu được bảo hộ sở hữu trí tuệ.
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 100/QĐ-TTg phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được Bộ KH&CN giao thực hiện triển khai Đề án này.
Được biết, Hưng Yên hiện có 16 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận bảo hộ sở hữu trí tuệ như tương Bần, nhãn lồng, quất cảnh Văn Giang, gà Đông Tảo, chuối tiêu hồng Khoái Châu, vải lai chín sớm Phù Cừ… Sau khi được bảo hộ, sản phẩm tăng giá trị lên 20%, tuy nhiên việc ứng dụng công nghệ để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ đang là yêu cầu cấp thiết để tránh tình trạng vi phạm nhãn hiệu được bảo hộ.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, thời điểm này không áp dụng truy xuất nguồn gốc, rất khó để xuất khẩu, kể cả thị trường Trung Quốc. Vì vậy cần phải tuyên truyền cho nông dân hiểu được khi họ áp dụng truy xuất nguồn gốc sẽ được hưởng những ưu đãi gì, đem lại quyền lợi gì “có như vậy người dân mới tích cực tham gia. Các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cũng cần đi cùng với nông dân, triển khai hướng dẫn cho người nông dân có thể áp dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc”, Thứ trưởng Trần Văn Tùng nói.
Như sản phẩm gà Đông Tảo được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể ngày 16/7/2015. Theo đó, giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể gà Đông Tảo Hưng Yên được cấp cho Hội chăn nuôi và kinh doanh gà Đông Tảo huyện Khoái Châu với tổng số 86 hội viên ở các xã: Đông Tảo, Tân Dân, Bình Minh và Dạ Trạch. Các sản phẩm được cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể gồm: Thịt gà đã chế biến; thực phẩm làm từ thịt gà; gà sống, gà thịt còn sống; mua bán thịt gà đã chế biến, thực phẩm làm từ thịt gà, gà giống, gà thịt còn sống.
Tuy nhiên sản phẩm này đang đối mặt với khó khăn trong việc quản lý sử dụng nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm và cách thức tiếp cận với thị trường trong và ngoài nước.
Bà Phạm Thị Lý, Giám đốc Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và Phát triển đã giới thiệu ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc CheckVN trong phát triển thương hiệu và kết nối cung cầu các sản phẩm chủ lực của Hưng Yên. Trong năm 2019 áp dụng cho thực phẩm, sản phẩm nông lâm sản và thủy sản.
Vân Anh