Xuất xứ và chất lượng hàng thủy sản là những yêu cầu cần bảo đảm để tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường cho hàng thủy sản Việt Nam.
Sáng 17/7, tại TPHCM, Tổng Cục Thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam tổ chức buổi hội thảo cơ hội và thách thức của ngành thủy sản tại các Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Viêt Nam-EU (EVFTA).
Các chuyên gia đề cập đến các cam kết chính liên quan tới thủy sản, tác động dự kiến, cơ hội và thách thức với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam, cơ hội thuế quan và khuyến nghị cho ngành thủy sản Việt Nam, định hướng phát triển ngành thủy sản trong bối cảnh thực hiện hai hiệp định này… trong đó xuất xứ và truy xuất nguồn gốc có vai trò quan trọng.
Ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản phát biểu tại hội thảo.
Cụ thể các cam kết mở cửa của đối tác cho Việt Nam ngay khi hiệp định có hiệu lực của CPTPP là 78% đến 95% số dòng thuế và EVFTA 85,6% số dòng thuế, xóa bỏ cuối lộ trình theo CPTPP 97% đến 100% số dòng thuế, với EVFTA 99,2% số dòng thuế và lô trịnh hàng hóa thường 5-10 năm của CPTPP và 3 đến 7 năm của EVFTA, với hàng hóa nhạy cảm là trên 10 năm hoặc cho hạn ngạch thuế quan của CPTPP và theo EVFTA hàng hoá nhạy cảm sẽ theo hạn ngạch thuế quan, chiếm 0,8% số dòng thuế.
Còn cam kết mở cửa của Việt Nam cho đối tác sẽ ít hơn, có lợi thế hơn. Đặc biệt các hiệp định này đề ra các quy tắc xuất xứ phải đáp ứng quy định mới được hưởng thuế xuất ưu đãi. Bên cạnh đó, Hai hiệp định này cũng có cam kết về các biện pháp phi thuế quan, là hàng rào kỹ thuật trong thương mại, ghi nhãn hàng hóa, an toàn thực phẩm, kiểm dịch động thực vật, phòng vệ thương mại, cam kết về dịch vụ và đầu tư, lao động, môi trường, mua sắm công, sở hữu trí tuệ…
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, cho biết: “Trong cả hai hiệp định này đều có một điểm mới, đó là, trước đây khi chứng nhận xuất xứ theo truyền thống, thì Việt Nam đều đã cam kết sẽ áp dụng thủ tục tự chứng nhận xuất xứ, thì sẽ thuận tiện hơn nhiều so với đi xin và sẽ bớt thời gian, công súc rất nhiều. Nhưng đổi lại, các anh chị sẽ phải chịu trách nhiệm về những gì mình đã xác nhận. Và trong cả hai hiệp định, họ đều có thời gian quy định 5 năm thì phải, trong 5 năm đấy, họ có quyền truy lại toàn bộ và cái phạt của họ rất là kinh khủng”.
Xuất xứ và chất lượng hàng thủy sản là những yêu cầu cần bảo đảm để tiếp tục duy trì hoạt động xuất khẩu và mở rộng thị trường cho hàng thủy sản Việt Nam. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết: “Trong thời gian tới, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam đang tiến hành 2 việc, gần như là 2 dự án. Dự án thứ nhất liên quan đến đưa ra môt số hoạt động truyền thông mạnh ở nước ngoài cũng như ở trong nước liên quan đến chuỗi giá trị tôm, trong đó nhấn mạnh vấn đề xuất xứ và truy xuất nguồn gốc, để nhằm làm một tác động mạnh vào trong hoạt động thực thi hiệp định EVFTA cũng như CPTPP. Một hoạt động thứ hai liên quan đến xuất xứ mà chúng tôi đang quan tâm đối với các doanh nghiệp là cùng với các doanh nghiệp trao đổi kinh nghiệm làm thế nào để chúng ta tận dụng các yếu tố xuất xứ trong các quốc gia ở trong khối. Thí dụ như CPTPP, nhập khẩu từ nước nào và có thể hưởng được ưu đãi thuế quan vào nước khác trong CPTPP”.
Hàng thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu vào hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, có truy xuất nguồn gốc, liên kết chuỗi ngành hàng… Tuy nhiên, nhiều vấn đề cần tiếp tục thực hiện khi thực hiện 2 hiệp định mới. Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Đình Luân, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục thủy sản, cho rằng: “Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, chúng ta có các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người sản xuất, chúng ta có chia sẻ để nhận diện cơ hội, nhưng thách thức và đặc biệt những cam kết để chúng ta khi hội nhập vào các thị trường thế giới có đáp ứng được không. Tôi mong muốn sau hội nghị, toàn bộ, từ các cơ quan quản lý trung ương, địa phương, các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp, chúng ta cùng bắt tay với nhau xây dựng một kế hoạch để triển khai những nỗ lực cao nhất với những cam kết của chúng ta đã cam kết để trong thời gian ngắn chúng ta tranh thủ và tận dụng được tối đa cơ hội từ các hiệp định này mang lại”.
Năm 2018, tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng đạt đạt trên 7,7 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 9 tỷ đô la Mỹ. Năm 2019, ngành thủy sản phấn đấu đạt mục tiêu tổng sản lượng thủy sản tăng hơn 3% và kim ngạch xuất khẩu thủy sản 10 đến 10,5 tỷ đô la Mỹ.