Sản xuất trái cây truy xuất nguồn gốc: Nhà vườn đồng loạt… chạy

Thị trường Trung Quốc đang siết chặt các quy định về kiểm dịch, tem nhãn truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói với nông sản nhập khẩu.

Ghi nhận của PV NNVN tại vùng trái cây Đồng Nai cho thấy, nhà vườn và các HTX đã cảm nhận được sức nóng của quy định này và đồng loạt vào cuộc…

Điều chỉnh ngay hoặc… treo vườn

Trở lại vùng thủ phủ trái cây Long Khánh  thời điểm này nhiều nhà vườn đang tất bật bước vào mùa thu hoạch trái cây hè xuất khẩu.

13-03-07_nh_1
Một số nhà vườn đã bắt đầu có ý thức thực hiện theo quy định truy xuất nguồn gốc.

Dẫn chúng tôi vào thăm vườn sầu riêng đang thời kỳ thu hoạch, ông Phùng Thanh Tâm, Giám đốc HTX dịch vụ thương mại nông nghiệp Bình Lộc tâm sự: “Đã qua cái thời làm ra nông sản nào cũng bán được và nông dân chỉ quan tâm tăng năng suất để thu lợi nhuận cao. Còn bây giờ nông dân phải chủ động làm truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đảm bảo về chất lượng sản phẩm thì mới xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc. Đồng thời cần hiểu rõ về nhu cầu, yêu cầu của thị trường để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp”.

Theo ông Tâm, để chuẩn bị đáp ứng các điều kiện về nhập khẩu trái cây tươi của Trung Quốc, ngay từ cuối năm 2018 HTX đã lập hồ sơ lấy mã số vùng trồng. Tất cả thủ tục liên quan đến việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cũng đã được cơ quan chức năng cung cấp cho phía Trung Quốc để nhận mã số xuất khẩu. Hiện HTX đang tiếp tục hoàn thành hồ sơ cho những diện tích còn lại.

HTX Bình Lộc đang xây dựng mô hình cánh đồng lớn đối với cây chôm chôm với diện tích 69,41ha, đến nay đã có 49 hộ tham gia, với diện tích 69ha. Các thành viên trong HTX vẫn đang duy trì sản xuất theo quy trình VietGAP và đến nay đã có 6,5ha chôm chôm đầu tiên của HTX được Hải quan Trung Quốc cấp mã số nhập khẩu vào nước này.

Tuy nhiên, khi chúng tôi đề cập đến việc xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa trái cây của HTX, ông Tâm cho biết: “Sản phẩm của HTX chúng tôi đến nay vẫn chưa có nhãn hiệu riêng, đa số chỉ cung cấp nguyên liệu là chính chứ chưa có doanh nghiệp đầu tư làm nhãn hiệu cho sản phẩm”.

Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh (Trảng Bom) hiện cũng đang gấp rút làm các thủ tục để được cấp mã số vùng trồng phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc khi xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc.

Ông Đoàn Trung Ngọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác tâm sự: “Không ít nhà vườn vẫn còn khá mơ hồ về những quy định, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc vì vẫn nghĩ rằng thương lái mua hàng không quan tâm đến nguồn gốc, xuất xứ vì thị trường này vốn dễ tính, hàng trái nào cũng chấp nhận. Thậm chí ngay cả nông dân trong tổ hợp tác đã từng tham gia vào thị trường xuất khẩu nhưng vẫn có tâm lý chờ hỗ trợ mới triển khai chương trình này”.

Theo ông Ngọc, tác động của các quy định mới từ thị trường Trung Quốc đã bắt đầu ảnh hưởng đến việc tiêu thụ sản phẩm, khiến cho các mặt hàng trái của nhà vườn cũng gặp khó khăn hơn. Thực tế, từ đầu năm đến nay, sản lượng xuất khẩu thanh long của Tổ hợp tác đã giảm khoảng 30% so cùng kỳ năm ngoái; thanh long cũng không còn giá sốt vào những đợt cao điểm xuất khẩu như mọi năm.

Nhận định về thị trường Trung Quốc, bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc) chia sẻ: “Nếu như trước đây, Trung Quốc được xem là thị trường “dễ tính” thì đến nay đã “khó tính” hơn rất nhiều, cụ thể họ đang siết chặt quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc trái cây nhập khẩu. Do vậy, HTX chúng tôi cũng đang chủ động làm truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đảm bảo về chất lượng sản phẩm do mình làm ra đáp ứng điều kiện xuất khẩu sang thị trường này”.

Thay đổi tư duy sản xuất

Thực tế, nhà vườn ở Đồng Nai cũng bắt đầu thay đổi cách sản xuất trái cây sạch, đặc biệt chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học trong việc phòng trừ sâu bệnh. Đối với các loại sâu đục trái có múi, nông dân sử dụng hình thức bao trái để bảo vệ trái bưởi thay cho cách phun thuốc BVTV như trước đây.

13-03-07_nh_2
Nông dân phải chủ động làm truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đảm bảo về chất lượng sản phẩm thì mới xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc.

Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Đồng Nai cho biết, đến đầu năm 2019 tỉnh đã nhận được 9 mã số vùng trồng cho thị trường khó tính và 71 mã số vùng trồng cho thị trường Trung Quốc. Cơ quan chức năng tỉnh đang tiếp tục làm thủ tục cung cấp cho Hải quan Trung Quốc xin mã số nhập khẩu cho các vùng trồng, HTX, tổ hợp tác và các nhà vườn trên địa bàn.

Ông Trần Lâm Sinh, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Đồng Nai cho biết: “Thực tế nhiều nông dân hiện vẫn chưa hiểu rõ về những quy định này, nên Chi cục đang phối hợp với các địa phương hỗ trợ các vùng trồng, HTX, tổ hợp tác và nhà vườn quy trình sản xuất, giải pháp về phòng chống dịch hại, sinh vật gây hại, ghi chép số nhật ký; đồng thời tiếp tục hướng dẫn họ làm hồ sơ để được cấp mã số xuất khẩu vào Trung Quốc.

Theo tôi muốn đẩy nhanh tiến độ thì Cục BVTV nên ủy quyền việc khảo sát, đánh giá đủ điều kiện cho các địa phương”. Để đáp ứng các quy định mới của Trung Quốc trong việc nhập khẩu mặt hàng trái cây tươi, hiện Chi cục Trồng trọt – BVTV tỉnh Đồng Nai tập trung triển khai cho các sản phẩm đã được cấp phép xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xuất nhập khẩu Vina T&T cho rằng: Chính nhờ thị trường Trung Quốc thay đổi, siết chặt hàng rào kỹ thuật khiến nông dân Việt Nam có ý thức chuyển đổi sang sản xuất sạch hơn, tăng tỷ lệ trái cây đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước. Đây là giải pháp Trung Quốc muốn nâng cao chất lượng nông sản cho thị trường mình, cũng vừa là giải pháp giúp nông sản Việt Nam thoát tình trạng “giải cứu nông sản” khi luôn tái diễn tình trạng thừa hàng, dội chợ.

Theo ông Tùng, nông dân cần phải chủ động tham gia tìm hiểu và thực hiện ngay việc truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Trung Quốc bắt đầu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu từ năm ngoái và họ áp dụng tiêu chuẩn này cho tất cả các nông sản nhập khẩu chứ không phải áp đặt riêng với hàng hóa của Việt Nam. Đây là yêu cầu của người mua và nông dân muốn bán được hàng thì phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách.

Một mô hình trồng sầu riêng theo chuẩn VietGAP.
Bà Đặng Thị Thúy Nga, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định: “Nếu nông dân tận dụng được thời cơ này để tập trung thay đổi tư duy sản xuất nâng cao chất lượng và truy xuất nguồn gốc thì sẽ tăng số lượng sản phẩm xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giúp giá trị của các loại trái cây tăng lên nhiều lần”.

Leave a Comment

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *