Để xây dựng nông nghiệp thông minh, Việt Nam cần lựa chọn công nghệ hiệu quả và xây dựng hệ sinh thái kết nối chặt chẽ giữa các bên.
Đây là khuyến nghị của nhiều chuyên gia trong nước và nhà khoa học người Việt ở nước ngoài tại Hội thảo “Tầm nhìn và giải pháp ứng dụng KHCN trong phát triển nông nghiệp thông minh” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 21.8, tại Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho rằng, so với các ngành khác ở Việt Nam, nông nghiệp là ngành có lợi thế hơn hẳn. Tuy nhiên, mức hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam được WTO xác định là rất thấp, chỉ ở 7%, chủ yếu tập trung vào hỗ trợ thủy lợi. Trong khi đó, tỉ lệ này ở các nước OECD là 20%, còn tại Hàn Quốc và Nhật Bản thì mức hỗ trợ đạt 60 – 70%.
Dù mới được hỗ trợ ít, nhưng nông nghiệp là ngành luôn suất siêu, trong khi hầu hết ngành khác đều nhập siêu. Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào nông nghiệp có thể đưa Việt Nam thành cường quốc nông nghiệp, ông Tuấn nói.
Việc đưa khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến và phân phối tạo cơ hội rất lớn trong nông nghiệp, nhất là ứng dụng Internet Vạn vật (IoT) và big data… vào nông nghiệp còn dư địa lớn để phát triển.
“Trong giai đoạn đổi mới đến năm 2010, tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm dần vì các lợi thế về đất, lao động và phân bón đã được tận dụng hết. Trong thời gian tới, khoa học công nghệ là yếu tố duy nhất để giúp duy trì tăng trưởng nông nghiệp. Hiện nay, đổi mới khoa học và công nghệ mới đóng góp khoảng 30% vào tăng trưởng nông nghiệp trong nước, trong khi con số này ở Thái Lan và Trung Quốc lần lượt là 60% và 80%.
- Nguyễn Hoàng từ Đại học California Davis (Mỹ) cho rằng, thiết kế hệ sinh thái tri thức là việc hết sức cần thiết để xây dựng nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ 4.0.
Tại Mỹ hay Nhật Bản, sản xuất nông nghiệp có giá trị chất xám rất cao và chú trọng đầu tư nghiên cứu giống sạch bệnh cung cấp ra thị trường, từ đó đảm bảo chất lượng đầu ra nông sản. Các trung tâm nghiên cứu nông nghiệp là cầu nối để đưa các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn ứng dụng tại doanh nghiệp.
Ông Hoàng nhận định, Việt Nam hoàn toàn có thể dẫn đầu trong cuộc đua nông nghiệp trên thế giới bởi nước ta có tiền đề rất tốt về phát triển nông nghiệp, cùng với đó nhiều chính sách khuyến khích nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh được ban hành thời gian qua.
Theo ông Hoàng, quan trọng là phải tận dụng tốt Internet để kết nối cộng đồng những người làm nông nghiệp, điển hình như sáng kiến kết nối cộng đồng chuyên gia nông nghiệp Việt Nam toàn cầu (VietAgGlobal).
- Nguyễn Kỳ Tài từ Đại học Southern Queensland (Australia) cho rằng, hiện có nhiều ứng dụng phát triển nông nghiệp thông minh như robot trí tuệ nhân tạo, camera chuyên dụng đánh giá cây trồng, công nghệ IoT, blockchain…
Để nông nghiệp thông minh đạt kết quả, cần phải lựa chọn công nghệ hợp lý đạt để đạt giá trị tối ưu cho từng loại cây, từng doanh nghiệp và địa phương.
“Trước mắt là xúc tiến hợp tác giữa các đơn vị nghiên cứu và chính quyền địa phương, sau đó mới chuyển giao công nghệ hoặc bán lại dịch vụ cho nông dân”.
Ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, đã có nhiều địa phương và doanh nghiệp chủ động làm nông nghiệp. Tuy nhiên đầu tư vào nông nghiệp còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng 1%.
Hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa có sự liên kết mạnh mẽ. Thời gian tới, tái cơ cấu nông nghiệp sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chế biến nông sản để nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời tổ chức lại sản xuất.
Hà Lan, Nhật Bản và Đài Loan là những nền kinh tế điển hình về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ phù hợp và hiệu quả. Đối với nông nghiệp Việt Nam, cần phải có sự kết nối chặt chẽ giữa sản xuất và phân phối mà trong đó vai trò dẫn dắt của doanh nghiệp là hết sức quan trọng, Thứ trưởng nhận định.
Theo Hồng Quang (VOV)