Thu hút nông dân vào hợp tác kiểu mới đạt tiêu chí an toàn và truy xuất nguồn gốc

Thực hiện việc đẩy mạnh đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn và đóng góp xây dựng nông thôn mới, tỉnh Tiền Giang đã có nhiều giải pháp tích cực nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn, thu hút nông dân vào làm ăn hợp tác kiểu mới.

Thu hút nông dân vào hợp tác kiểu mới

Mô hình trồng xoài theo GAP ở HTX Hòa Lộc. Ảnh: Nhà nông

Việc hỗ trợ, tiếp sức cho mạng lưới các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới được thực hiện trên nhiều lĩnh vực như: Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chính sách về đất đai, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ mới, tín dụng, hỗ trợ chế biến sản phẩm… Từ đó, giúp mạng lưới các hợp tác xã nông nghiệp hoạt động ổn định, vững chắc.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh, qua 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tỉnh đã giao đất, cho thuê đất đối với 20 hợp tác xã vào mục đích sản xuất, xây dựng trụ sở, nhà kho, nhà sơ chế bảo quản sản phẩm đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, Tiền Giang tạo điều kiện cho hơn 30 lượt hợp tác xã tham gia các Hội chợ xúc tiến thương mại trong nước; hướng dẫn 15 hợp tác xã tổ chức sản xuất theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa, đạt tiêu chí an toàn, truy xuất nguồn gốc, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.

Mặt khác, tỉnh hỗ trợ 8,9 tỷ đồng từ nguồn kinh phí dự án Cạnh tranh nông nghiệp giúp ba hợp tác xã Bình Tây, Bình Nhì, Mỹ Trinh xây dựng 2 nhà kho chứa lúa, mua ba máy sấy, ba máy gặt đập liên hợp.

Theo Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Bình Nhì (Gò Công Tây) Phan Minh Hùng, thời gian qua, hợp tác xã đã được trợ giúp nhiều mặt nên hoạt động sản xuất – kinh doanh vượt qua khó khăn, phát triển ổn định.

Hiện nay, hợp tác xã hoạt động trên nhiều lĩnh vực cung cấp nước sinh hoạt nông thôn, cung ứng vật tư nông nghiệp và giống cây trồng, vật nuôi, tổ chức sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn và tiêu chí VietGAP trong canh tác lúa.

Ông Phan Minh Hùng đánh giá, tham gia hợp tác xã, xã viên hưởng được nhiều lợi ích, được cung cấp nước sạch theo tiêu chuẩn; được chuyển giao kỹ thuật canh tác giúp giảm chi phí, tăng lợi nhuận, đầu ra hạt lúa hàng hóa được bao tiêu, quyền lợi được bảo đảm, được giải quyết kịp thời khó khăn về vốn liếng,… Bà con rất an tâm về cung cách làm ăn hợp tác kiểu mới và gắn bó lâu dài với hợp tác xã.

Theo ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang, năm nay nhiều hợp tác xã nông nghiệp tiếp tục được hưởng lợi từ các chính sách, giải pháp hỗ trợ, trợ giúp phát triển bền vững, đóng góp vào sự lớn mạnh của kinh tế tập thể và xây dựng nông thôn mới đẹp giàu trên địa bàn.

Cụ thể, Tiền Giang tiếp tục có chính sách cho 16 hợp tác xã thuê đất xây cất nhà kho, sân phơi, nhà sơ chế bảo quản nông sản hàng hóa; hỗ trợ 24 hợp tác xã đầu tư 38 công trình tiện ích cần thiết với tổng kinh phí trên 11,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, từ nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, tỉnh cũng trợ giúp về vốn cho 12 hợp tác xã có nhu cầu vay trên 6,1 tỷ đồng phát triển sản xuất, kinh doanh.

Cùng đó, tỉnh cũng tạo điều kiện cho khoảng 10 hợp tác xã tham dự các Hội chợ xúc tiến thương mại với kinh phí 150 triệu đồng, xây dựng các trang giới thiệu sản phẩm, quảng bá hình ảnh, nhu cầu giao thương, tiêu thụ nông sản hàng hóa… của các hợp tác xã nông nghiệp trên website của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Tiền Giang.

Hiện nay, Tiền Giang đã thành lập được 115 hợp tác xã trên lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản thu hút gần 3 vạn thành viên đang hoạt động hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc liên kết tiêu thụ nông sản hàng hóa theo chuỗi giá trị.

Minh Trí

Leave a Comment

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *